CV là gì ?
Nội dung bài viết
Mặc dù là cụm từ thường xuyên được sử dụng , thế nhưng hiếm có người lại biết chính xác nghĩa của cụm từ này. CV trong tiếng Anh là “Curriculum Vitae”, hay còn gọi là sơ yếu lý lịch. Trong tiếng Nhật, nó được gọi là 履歴書・りれきしょ・Rirekisho. Ngoài trình độ học vấn cũng như kiến thức chuyên môn ra, thì cách trình bày sơ yếu lý lịch cũng là một điểm cộng của bạn trong mắt nhà tuyển dụng. Vì vậy, để có thể nhanh chóng nhận vào làm, hay muốn để lại một ấn tượng gì đó trong mắt người tuyển dụng. Nhất định, hãy viết sơ yếu lý lịch theo hướng dẫn dưới đây nhé !
Hướng dẫn cách viết CV tiếng Nhật
Chỉ định ngày gửi
Đừng quên điền ngày vào dòng đầu tiên trên cùng. Đây là ngày bạn điền hồ sơ, hay cũng có thể là ngày mà bạn mang hồ sơ đi gửi. Ở Nhật, người ta thường sử dụng niên hiệu ( Ví dụ như Reiwa hay Heisei ) thay cho năm 2019, 2020 như trong lịch Tây. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng 1 trong 2 loại lịch này, với điều kiện, ngày tháng trong CV phải hoàn toàn thống nhất, hoặc là dùng hoàn toàn lịch Tây, hoặc là dùng hoàn toàn tên niên hiệu
Tên và furigana
Viết rõ ràng và cẩn thận. Đối với tên của các bạn người nước ngoài không sử dụng Hán tự, hãy đặt một khoảng cách giữa họ và tên để dễ cho dễ nhìn hơn. Khi phiên âm tên, hãy sử dụng “Hiragana”, nếu cụm từ bên cạnh được viết bằng Hiragana, và nếu nó được viết bằng “Katakana” , hãy phiên âm tên bằng chữ Katakana.
Đính kèm ảnh chụp trong vòng 3 tháng
- Về quy tắc và kích thước
Đây chính là hình ảnh đại diện cho bạn., vì vậy, tốt nhất bạn nên mặc những bộ quần áo phù hợp với doanh nghiệp, lịch sự và nét mặt tươi cười. Bởi vì nó sẽ có ảnh hưởng lớn đến ấn tượng đầu tiên của bạn với nhà tuyển dụng. Theo nguyên tắc chung, tốt nhất bạn nên chụp ảnh trong vòng 3 tháng gần nhất. Kích thước thường là 2,4 x 3 cm hoặc 3 x 4 cm.
- Về phương pháp chụp
Chúng tôi khuyên bạn nên chụp ảnh tại một studio ảnh. Mặc dù chi phí có đắt hơn ảnh chụp ở cây chụp ảnh nhanh. Bởi vì nếu chụp ảnh studio, nhân viên sẽ dành thời gian chỉnh sửa ngoại hình và ngoại hình cho bạn một cách chuyên nghiệp hơn.
Địa chỉ hiện tại・住所
Hãy ghi rõ thông tin liên hệ mà nhà tuyển dụng có thể liên hệ cho bạn một cách đáng tin cậy và nhanh chóng nhất. Nhà tuyển dụng cũng khá là để ý đến thời gian để liên hệ cho bạn. Vì vậy, nếu chỉ có một số điện thoại duy nhất, hãy ưu tiên điền số điện thoại di động hơn là điền số điện thoại bàn cố định nhé !
Địa chỉ liên lạc・連絡先
Nếu bạn không có địa chỉ chỉ liên lạc khác, hoặc địa chỉ liên lạc trùng với đia chỉ đang ở hiện tại, đừng quên ghi cụm từ 同上 vào nhé !
Lý lịch học tập・学歴
Các điểm cần điền vào mục học tập lí lịch như sau.
- Tên trường là tên chính thức và cần được viết đầy đủ, không rút ngắn
- Năm nhập học / tốt nghiệp nên được thống nhất trong toàn bộ lý lịch. Sử dụng tất cả lịch Tây hoặc niên hiệu.
- Nhập các đề tài nghiên cứu đại học và luận văn tốt nghiệp nếu bạn có thể sử dụng chúng cho công việc của mình
- Nếu bạn bỏ học hoặc nghỉ học giữa chừng, hãy ghi lý do ngắn gọn.
Đối với các trường trung học phổ thông, dạy nghề, cao đẳng, cao đẳng kỹ thuật công nghệ, đại học … thì ghi năm nhập học, năm tốt nghiệp đồng thời ghi rõ về khoa, bộ môn để truyền tải nội dung khóa học. Nếu có sự khác biệt giữa chuyên ngành đang học và nội dung công việc mà bạn ứng tuyển, có thể bạn sẽ bị hỏi lý do lúc phỏng vấn, vì vậy bạn nên chuẩn bị trước để có thể đưa ra câu trả lời tích cực.
Lý lịch làm việc・職歴
Cho dù bạn không có lý lịch làm việc đi chăng nữa, bắt buộc bạn phải ghi vào trong mục lý lịch công việc là なし ở bên tay trái, và xuống dòng viết 以上 ở phía tay phải như trong hình. Tuy nhiên, nếu bạn đã từng làm thêm công việc baito có liên quan đến công việc đang ứng tuyển, hãy mạnh dạn thêm vào để PR cho bản thân mình nhé !
Nếu bạn không phải là sinh viên mới tốt nghiệp và đã có thời gian đi làm chính thức ở công ty, thì quá trình làm việc là mục quan trọng nhất . Khi đó, bạn phải phải lưu ý đến một số vấn đề sau khi điền ở mục lý lịch công việc :
- Tên công ty là tên chính thức và phải được viết đầy đủ.
- Dù là thời gian làm việc ngắn hạn cũng phải kê khai đầy đủ
- Ghi ngắn gọn lý do nghỉ việc ở công ty cũ
- Nếu hiện tại vẫn đang đi làm ở công ty đó, hãy sử dụng cụm từ 現在に至る
Mục chứng chỉ, bằng cấp・免許・資格
- Nếu bạn có bằng cấp / giấy khen thưởng
Trước hết, hãy liệt kê những loại bằng cấp mà bạn đang có mà có thể sử dụng cho công việc mà mình đang ứng tuyển. Trong một số trường hợp, giấy phép lái xe là điều kiện để ứng tuyển, vì vậy đừng quên điền vào nếu bạn có. Nếu bạn đang học để lấy giấy phép hoặc bằng cấp, vui lòng nêu rõ thời gian dự kiến thi .
Cũng như quá trình học tập và quá trình làm việc, năm mà chứng chỉ và bằng cấp được cấp phải được viết theo một lịch thống nhất dựa trên lịch phương Tây hoặc lịch Nhật Bản.
Nếu bạn có nhiều bằng cấp và không thể điền hết, hãy xem xét nhu cầu công việc và liệt kê chúng theo thứ tự ưu tiên. Ngoài ra, với cùng một loại bằng mà có nhiều cấp độ, thì chỉ cần cấp độ cao hơn là được. Ví dụ như bạn có bằng JLPT N2 và N3, thì chỉ cần điền cấp độ cao nhất là N2 là được . Hãy nhớ kiểm tra xem các bằng cấp và giấy phép được liệt kê đã hết hạn chưa, điểm số và thứ hạng có khớp nhau không.
- Nếu bạn không có bằng cấp hoặc giấy khen thưởng
Nếu bạn không có bằng cấp, hãy ghi「特になし」 .
Mục động cơ , lý do ứng tuyển・志望動機
Khi viết lý do ứng tuyển, bạn nên chú ý đến ba điểm sau.
- Tại sao bạn lại chọn công ty
- Tại sao bạn muốn làm công việc này
- Làm thế nào bạn có thể đóng góp cho công ty
Ví dụ mẫu về PR bản thân và lý do ứng tuyển:
- PR bản thân
私の強みは計画性があるところです。学生時代には、大学の様々な課外活動や奨学金を支給してくれる財団のボランティア活動のリーダーを担当しました。勉強、アルバイト、そして上記の活動を両立するため に、いつもチームメンバーと相談しながら1年間のスケジュールを立て,段取りよく活動しました。その結果、勉強に影響を与えず、全ての活動が順調に進んで成功に導きました。
Điểm mạnh của tôi là biết lên kế hoạch cho mọi công việc. Trong quá trình sinh viên của mình, tôi đã đảm nhận vai trò dẫn đầu trong nhiều hoạt động của trường Đại học cũng như các hoạt động tình nguyện của hội khuyến học đang trao học bổng cho tôi. Để có thể căn bằng việc học, việc làm thêm cũng như các hoạt động ở trên, tôi luôn luôn trao đổi với thành viên trong nhóm của mình, lên kế hoạch trước 1 năm, và triển khai công việc theo từng giai đoạn nhỏ. Kết quả là, không những không ảnh hưởng đến việc hoc, mà tất cả mọi hoạt động do tôi chỉ đạo đều đã thành công.
- Lý do ứng tuyển
御社の募集職種は現在アルバイトをしている仕事の内容に似ているので、募集を拝見してすぐに応募させて頂きました。具体的にはマネジメント職を希望いたします。
今、私は横浜外国人研修センターで技能実習生を全面的にサポートするというアルバイトをしています。仕事で来日した外国人はどんなことによく困るのかをこのアルバイト期間で実感しました。実習生が多国籍であり、日本会社のルールや文化を理解するために、様々な方法を探してコミュニケーションを取らなければなりません。このような姿勢が実習生の配属企業の社長に認められ、高い評価を頂きました。
御社に入社出来ましたら、アルバイトの経験で培った「相手の気持ちを考えて行動する力」を活かし、日本で頼りにされる先輩として日本国内のエンジニアをサポートしたいと考えています。
Công việc mà quý công ty đang tuyển dụng hiện có phần giống với nội dung công việc mà tôi làm thêm. Chính vì vậy, ngay khi biết đến tuyển dụng này, tôi đã quyết định ứng tuyển ngay. Cụ thể là, tôi muốn ứng tuyển vào vị trí quản lý
Hiện tại, tôi đang làm công việc hỗ trợ Thực tập sinh ở Trung tâm nghiên cứu người nước ngoài TP.Yokohama. Trong quá trình làm việc của mình, tôi đã thấu hiểu rõ những nỗi khó khăn mà các bạn Thực tập sinh gặp phải trong ngày đầu mới sang Nhật. Hơn nữa, Thực tập sinh theo học tại đây đến từ nhiều quốc gia. Chính vì vậy mà tôi đã luôn phải tìm ra nhiều phương pháp khác nhau để giao tiếp với các em. Nhờ với sự nỗ lực đó, những cố gắng mà tôi bỏ ra luôn được giám đốc – nơi tiếp nhận các bạn TTS đánh giá sao.
Nếu được chọn vào quý công ty, tôi hi vọng mình sẽ trở thành một người được các kĩ sư tin tưởng để chọn làm nơi tư vấn, cũng như có thể phát huy được những kinh nghiệm mà tôi đã đúc kết trong quá trình làm thêm của mình.
Mục điểm mạnh, điểm yếu và PR bản thân・自己PR
Tại mục này, hãy cố gắng tạo dựng hình ảnh bản thân, tạo ấn tượng tốt với công ty bạn đang ứng tuyển,về điểm mạnh cũng như kinh nghiệm và kiến thức bạn đã thu được từ trước cho đến nay.
Sở thích và kỹ năng đặc biệt ・趣味・特技
Sở thích và các kỹ năng đặc biệt không ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá, nhưng đôi khi có thể cải thiện được ấn tượng của nhà tuyển dụng về bạn. Do đó, đừng quên chăm chút dành thời gian cho mục này, để cho buổi phỏng vấn trở nên sôi động nhé !
Lưu ý khi gửi CV cho nhà tuyển dụng
Không có CV nào là “chắc chắn đỗ 100%”. Tuy nhiên, có khá nhiều bản lý lịch bị cho là “thiếu sự chuẩn bị”. Do đó, hãy đảm bảo loại bỏ những sai lầm tối thiểu khi viết và làm một bản sơ yếu lý lịch truyền tải được đặc điểm của riêng bạn.
- Sử dụng các công cụ dễ viết, dễ đọc
Đề phòng trường hợp bất đắc dĩ, bạn nên sử dụng bút bi mực gel hoặc bút bi dầu có khả năng chống nước và không bị nhòe mực. Trước đây, bút máy cũng được khuyên dùng, nhưng nếu chưa quen , bạn nên sử dụng bút bi. Không sử dụng “bút bi có thể xóa được”. Vì loại mực này có thể bị xóa bởi ánh nắng trực tiếp hay khi xuất hiện lực ma sát, hoặc bị nhòe khi gặp máy photo.
- Nếu bạn mắc lỗi, hãy viết lại một bản sơ yếu lý lịch mới mà không sử dụng bút xóa.
Nếu bạn mắc lỗi, đừng sửa bằng bút xóa hoặc gach ngang. Hãy viết lại một tờ sơ yếu lý lịch mới. Để giảm sai sót và cải thiện sự cân bằng tổng thể, bạn nên tạo trước một mẫu sơ yếu lý lịch bằng bút chì.
- Thống nhất tên năm và khớp với lý lịch
Thống nhất năm, ngày, sinh nhật, quá trình làm việc và cột bằng cấp / chứng chỉ. Lịch Nhật Bản như Showa và Heisei thường được sử dụng, tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng lịch phương Tây.
- Kiểm tra cẩn thận xem có thiếu sót nào không
Bạn rất dễ mắc sai lầm khi vội vàng tạo một sơ yếu lý lịch hoặc nhiều sơ yếu lý lịch cùng một lúc.Sơ yếu lý lịch với rất nhiều chỗ trống sẽ khiến bạn nghi ngờ về lý do ứng tuyển. Ngoài ra, đừng quên furigana ở mục tên và địa chỉ. Nếu bạn không phải viết bất cứ điều gì, chẳng hạn như cột bằng cấp hay lý lịch việc làm, hãy viết 「特になし」.
Hỏi đáp liên quan đến CV tiếng Nhật
Q. Lịch sử học tập của mình nên viết từ khi nào ?
A. Nếu bạn là du học sinh, hãy bắt đầu viết từ lúc khoảng thời gian tốt nghiệp trường cấp 3, và đừng quên ghi đất nước mà mình tốt nghiệp ở bên cạnh
Q. Tôi nên làm gì nếu tên trường / công ty sau khi tốt nghiệp bị thay đổi?
A. Hãy viết tên mới nhất.
Q. Viết lịch sử công việc bán thời gian vào cột lịch sử công việc của sơ yếu lý lịch có được không?
A. Nếu bạn muốn thể hiện rằng kinh nghiệm làm việc bán thời gian của mình có thể áp dụng vào công việc đang ứng tuyển, hãy viết nó ra. Tuy nhiên, về cơ bản,mọi người không viết kinh nghiệm làm việc bán thời gian của mình trong phần lý lịch công việc.
Q. Tôi nên sử dụng từ nào,「退職」hay là 「退社」 , khi viết trong sơ yếu lý lịch công việc?
A. Không có đáp án đúng ở đây. Tuy nhiên, 「退社」cũng bao gồm nghĩa là “hoàn thành công việc và rời khỏi công ty về nhà”, vì vậy bạn nên viết 「退職」 trong sơ yếu lý lịch để tránh bị gây hiểu nhầm.
Q. Tôi dự định chuyển nhà trong thời gian sắp tới. Tôi nên làm gì trong trường địa chỉ trong sơ yếu lý lịch của mình?
A. Bạn có thể sử dụng địa chỉ và số điện thoại của mình tại thời điểm nộp đơn. Nếu địa điểm nhà mới đã được xác định, hãy nhập địa chỉ mới và số điện thoại mới vào mục liên hệ.
Q. Tôi không có”Sở thích / kỹ năng đặc biệt” . Tôi có thể để trống không?
A. Vì người phỏng vấn là lần gặp đầu tiên nên muốn biết người nộp đơn là ai. Sở thích và các kỹ năng đặc biệt là mục hoàn toàn không khó viết. Dù là sở thích bình thường đi nữa,hãy cố gắng viết chúng.
Q. Kích thước của bức ảnh trong sơ yếu lý lịch của bạn là bao nhiêu cm?
A. Kích thước được khuyến cáo là chiều cao 36-40mm và chiều rộng 24-30mm.
Q. Tôi đã tìm thấy lỗi chính tả trong phần mô tả sơ yếu lý lịch của mình. Tôi có thể sử dụng bút xóa để chỉnh sửa không?
A.Sử dụng bút xóa là điều cấm kỵ. Hãy viết lại từ đầu. Nếu giấy do công ty chỉ định và không có bản dự phòng, bạn có thể dùng bút đen kẻ một đường kép lên trên và đóng dấu sửa vào đó.Tốt hơn hết, hãy copy một vài bản làm dự phòng trong trường hợp này nhé !
Chúc các bạn có một Cv ấn tượng và sớm tìm được công việc mà mình yêu thích nhé !